HỘI THẢO VỀ THỰC THI QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Ngày 24.11.2018,  Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản phối hợp tổ chức Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan vàkhai mạc Trưng bày truyện tranh Nhật Bản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Đây là chương trình hợp tác đã được ký kết giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Hội thảo và Lễ khai mạc trưng bày truyện tranh có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý và thực thi, các tổ chức đại diện quyền tác giả; đại diện các Nhà xuất bản và các nhà nghiên cứu, khai thác, sử dụng quyền tác giả.

Ông Bùi Nguyên Hùng phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ nghe và thảo luận về các quy định pháp luật, quản lý, thực thi và thực trạng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; các quy định pháp luật, quản lý, thực thi và thực trạng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Nhật Bản; các biện pháp chống vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản tại Nhật bản; nỗ lực của CODA liên quan đến việc chặn website và đình chỉ quảng cáo (phiên bản IWL Nhật Bản) và bên cạnh đó cùng chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia Nhật Bản để đưa ra các khuyến nghị về mặt cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật từ đó góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

 

Ông Akihiko NODA (Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản) cũng mong rằng vấn đề ý thức tôn trọng tác quyền trong đông đảo công chúng sẽ được  tăng cường và trở nên rõ nét hơn. Cũng theo ông chia sẻ, “Việt Nam cũng như Nhật Bản đều vấp phải một khó khăn lớn là vấn nạn lan tràn các ấn phẩm lậu, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, ai cũng sẵn có một chiếc điện thoại/thiết bị thông minh trong tay. Trong quá trình sử dụng có người cố tình hoặc cũng có người vô ý vi phạm bản quyền nhưng lại hoàn toàn không biết. Điều đó khiến cho vấn nạn này ngày càng thêm nghiêm trọng”.

Ông Atsushi (Phụ trách Pháp chế của Nhà xuất bản Shueisha) cũng chỉ ra thực trạng của các ấn phẩm lậu (dưới nhiều hình thức khác nhau: ấn bản giấy, trên website, tải file trực tiếp, đăng video, đăng hình ảnh trên mạng xã hội,…) diễn ra trên toàn cầu. Qua đó cũng nêu ra các hình thức xử lý cụ thể dành cho  những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm bản quyền tại một số nước trên thế giới.

Các đại biểu đều nhất trí rằng: Việc làm lưu thông tác phẩm một cách đúng đắn thì lợi nhuận sẽ được trả lại cho tác giả nhờ đó mà tác giả lại có điều kiện để sáng tác và tạo ra nhiều ấn phẩm mới hấp dẫn và có giá trị cao cho xã hội.